Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Khu bảo tồn biển CÙ LAO CHÀM

 Cù Lao Chàm Khu Bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm nằm ở vị trí tọa độ : 15052’30’’ đến 16000’00’’N và 108024’30’’ đến 108034’30’’E, là một xã đảo có tên hành chính là xã Tân Hiệp, cách thành phố Hội An 18 Km về phía biển Đông. Xã bao gồm 8 đảo với tổng diện tích là 15 km2.  Đảo lớn nhất là Hòn Lao. Đây cũng là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã Tân Hiệp có 04 thôn với khoảng 2.700 người dân đang sinh sống. Thu nhập chủ yếu của người dân đảo là từ các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản, chiếm 74% tổng thu nhập của người dân. Hoạt động du lịch, dịch vụ mới hình phát triển trong những năm gần đây (KBTB CLC, 2007).

    Cù Lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước. Từ năm 2003, khu vực này được chọn để xây dựng dự án Khu bảo tồn biển thuộc Chương trình hợp tác phát triển môi trường của Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Nơi đây có  nhiều hệ sinh thái quan trọng như: rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm rong biển với nhiều giá trị nổi bật về đa dạng sinh học. Đến năm 2006, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chính thức được thành lập, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Sở NN & PTNT).
    KBTB Cù Lao Chàm có diện tích 5.175 ha mặt nước, với khoảng 311 ha rạn san hô, 500 ha thảm cỏ biển với nhiều loài hải sản có giá trị. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, các nhà khoa học đã xác định được ở Cù Lao Chàm có khoảng 277 loài san hô tạo rạn thuộc 40 giống và 17 họ; 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loài tôm hùm; 97 loài nhuyễn thể và rất nhiều loài có giá trị về mặt sinh thái, giá trị kinh tế và cảnh quan (Nguyễn Văn Long, 2008).
   Theo kế hoạch quản lý tổng hợp giai đoạn 2010 - 2013, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) đã xác định 6 đối tượng mục tiêu cần ưu tiên bảo tồn đó là: Cua đá, San hô, Ốc vú sao, vú nàng, Tôm hùm, Thảm cỏ biển và Bãi biển.
    Kết quả nghiên cứu hệ sinh rừng tại Cù Lao Chàm đã phát hiện và thống kê được 288 loài cây thuộc 107 họ thực bậc cao được xác định là nằm trong danh mục cây thuốc (Nguyễn Văn Tập, 2005). Trong số nhiều loài cây thuốc quí tại Cù Lao Chàm, qua hàng trăm năm kinh nghiệm, người dân Cù Lao Chàm đã chọn lọc và tinh chế được nhiều bài thuốc có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người như: Hỗ trợ chức năng tiêu hóa; bổ huyết; trị cảm cúm, ho; trị suy nhược thần kinh; giúp khỏe gân cốt; làm đen tóc; trị bệnh kiết lỵ và nhiều bài thuốc quí khác. Bên cạnh những tài nguyên sinh vật biển và rừng kể trên, Cù Lao Chàm còn có đặc sản là Yến sào, nguồn lợi này mang lại nguồn lợi kinh tế khá lớn cho địa phương và đã trở thành biểu tượng của xã đảo.
   Bên cạnh một hệ sinh thái phong phú, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn ẩn chứa trong mình các nền văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Với các di tích đã được khai quật đã chứng minh mối quan hệ, giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển thành từ thế kỷ XIII. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3.000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa.
   Trong những năm gần đây, Cù Lao Chàm được biết đến như một trong những điểm tham quan thú vị của du khách. Phong cảnh hữu tình cùng với lòng hiếu khách của người dân địa phương miền biển đảo đã và đang thu hút được tình cảm của du khách khắp nơi. Cù Lao Chàm được ví như viên ngọc chưa được gọt dũa giữa biển với vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Những di tích nổi tiếng như Chùa Hải Tạng,Giếng Chăm xóm Cấm, Miếu tổ nghề Yến, Lăng Thành Hoàng, ..vv là những minh chứng cho sự hưng thịnh của người Chăm và người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm. Trong số đó, có 7 di tích được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2007. Với những di tích này cùng với đời sống của người dân, du khách có thể cảm nhận được nền văn hóa đương đại kết hợp hài hòa cùng với văn hóa Chămpa và văn hóa cổ xưa của người Việt Nam.
    Không nơi đâu lôi cuốn như Cù Lao Chàm bởi nét đẹp hòa nguyện giữa cái hùng vĩ của núi rừng và nét dịu dàng mát mẽ của làn sóng biển trong xanh. Một nơi với sự hiện hữu đầy đủ các sinh cảnh đặc trưng của các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước.
   Với lợi thế trên, và nhất là khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm đã thu được một lượng lớn du khách, cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch chưa thực sự góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn tài nguyên của KBTB.

Âu thuyền CÙ LAO CHÀM
Cù lao Chàm có diện tích khoảng 15 km2, được gọi với những tên khác nhau như Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ như: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô, Hòn Tai, Hòn Ông... Năm 2006, Cù lao Chàm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia... Giờ đây, Cù lao Chàm đã gần hơn với đất liền, trở thành địa điểm du lịch biển cực kỳ hấp dẫn... Ngày nắng đẹp, từ Cửa Đại phóng tầm mắt là nhìn thấy Cù lao Chàm xanh sẫm như viên ngọc dưới ánh bình mình, bởi nó cách Cửa Đại 15 km, cách Hội An 19 km. Một vẻ đẹp khó có thể quên nó trong dịp hè này !
    
 Trên mặt biển  xanh, nắng ban mai tung tẩy như reo cười. Gió vạm vỡ trẻ trung đi từng luồng từng luồng rát rạt trên mặt. Những chiếc ca nô phóng nhanh trên mặt biển kẻ những đường chỉ trắng muốt. Tàu chợ đông nghẹt khách chất chồng gồng gánh, xe cộ thủng thỉnh, dập dềnh rời bến. Những chiếc tàu văn hóa, tàu dịch vụ rực rỡ áo phao, khí tài lặn biển lặn, râm ran tiếng chuyện trò. Tàu thuyền như rượt đuổi nhau giữa mênh mông biển cả khiến cả một vùng trời nước xao động. Bóng nắng đi dần về phía núi. Cầu cảng Bãi Làng nhộn nhịp tàu thuyền ghé bến. Từng đoàn du khách chia thành từng tốp nhỏ đi tham quan những di tích lịch sử văn hóa trên đảo: Chùa Hải Tạng, giếng cổ... Có đoàn còn chịu khó lên suối Tình, tìm đến bãi đá xếp của người Chăm.

 Ngay sát cầu cảng là những gánh hàng đơn sơ của người dân địa phương bày ra trong xô chậu, thúng mủng: Những con ốc, cua, mực còn tươi rói; những cái bánh ít còn nóng hổi, vài ba mẹt hàng bày bán những vỏ ốc biển các loại, vỏ bầu khô, một bao đầy nhóc cây lá thuốc hái trên núi... Trong các hòn đảo ở Cù lao Chàm, Hòn Lao lớn nhất. Hòn Lao có Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương là những nơi mà người dân sinh sống hàng ngàn năm nay. Tại đây còn lưu giữ hàng chục di tích lịch sử văn hóa độc đáo có niên đại từ đầu thế kỷ XVIII đến nay. Ở đây cũng tồn tại những di tích tín ngưỡng thể hiện sự chuyển tiếp tín ngưỡng từ cư dân Chămpa sống trên đảo sang cư dân Việt. Ra Tết trên những sườn núi của đảo rực rỡ màu hoa ngô đồng, làm nên những tấm thảm đỏ nổi bật giữa sắc xanh của biển và cây rừng.
 Theo số liệu điều tra khảo sát, hệ thực vật trên đảo có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 342 loài có ích, trên 60 loài có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát... Trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến là hai loài được đưa vào sách đỏ động vật Việt Nam. Người dân Cù lao Chàm cho biết, những con khỉ đuôi dài nghịch ngợm, rất thân thiện với người, đôi khi vào sáng sớm hay chiều tối chúng xuống đến sát biển chơi đùa. Biển Cù lao Chàm trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hàng chục mét. Làn nước trong vắt ấy như mời gọi ta xuống tắm, rồi phơi mình trên những bãi cát mịn tưng sạch sẽ. Cát ở đảo sạch đến độ, đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy những hạt cát rơi xuống không bám chút bụi đất nào trên da. Bây giờ ra đảo ngoài việc tắm biển, ngắm cảnh, ăn hải sản như cua đá, vú nàng, ốc đá, sò, nghêu biển, thì có một thú vui không thể bỏ qua là lặn biển ngắm san hô. Đọc lại Nguyễn Tuân với Cửa Đại viết cách đây hàng chục năm mà khâm phục... Cửa Đại hoang sơ ngày ấy được Nguyễn Tuân ví như thiên đường so với các bãi biễn phía Bắc đã bị những người thị thành làm ô nhiễm. Tiếc là Nguyễn Tuân chưa ra Cù lao Chàm, ông chỉ mới ngắm cái chấm chàm lung linh ấy nơi biển xa mỗi khi bình minh thức dậy, vậy mà ông viết: “Vừa mới rời dân đã nhớ...”. Nhưng Cửa Đại còn hoang sơ thế thì Cù lao Chàm ngày ấy hẳn vợi xa...
Bây giờ Cửa Đại không còn hoang sơ nữa có lẽ chỗ Nguyễn Tuân ngồi và tắm biển hiện giờ đã tọa lạc một resort nào đó thật nguy nga... Kết nối giữa tự nhiên và di sản Cù lao Chàm đang thức dậy sau giấc ngủ dài. Đảo giờ đã gần hơn với đất liền và trở thành điểm du lịch lý tưởng sau bao nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm đánh thức hòn đảo tĩnh lặng hoang sơ này.
 Tuy nhiên sự phát triển du lịch ở đây cũng đang thách thức sự bảo tồn sinh thái, thách thức vẻ đẹp quyến rũ, hoang sơ, e ấp của cô con gái nhà lành. Cù lao Chàm hiện đang được Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam và TP Hội An tiến hành khảo sát và lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm-Hội An. Theo các nhà nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển nơi này có một đặc trưng mà hiếm nơi nào ở Đông Nam Á có được đó là việc kết nối giữa tự nhiên và di sản.
Chợ Làng Tân Hiệp
Du Lịch Cù Lao Chàm: Khi còn ở trên thuyền, nhìn từ xa, Cù Lao Chàm là đảo. Nhưng khi vừa bước chân lên cầu cảng Bãi Làng – điểm đến đầu tiên khi ra đảo – ngước nhìn lên, lại thấy Cù Lao Chàm là… rừng, uy nghiêm trong thế đối xứng hài hòa giữa trời, mây, cây, nước… Bắt gặp sự “tiếp đón” tinh khôi ấy, không ai vội dời chân mà chỉ muốn nấn ná ngắm nhìn và… chụp ảnh. Trong một chuyến ngao du ngắn ngày ở đảo, không ai có thể đủ sức khám phá hết 1.549ha rừng “cơ bản còn hoang sơ” nơi đây. Thành ra, nhẩn nha chụp ảnh Cù Lao Chàm từ phía biển, từ phía cầu tàu để ghi dấu về một chuyến đi hình như là một nhu cầu có thật.

Đến đây không thể không ghé qua “Chợ” Tân Hiệp  đặc sản rừng, biển và quà lưu niệm nằm ngay bên trong chân cầu tàu du lịch, kề bên bến cá Bãi Làng. Đặc biệt, tuy là “chợ” nhưng lại thiếu hẳn những âm thanh ồn ào quen thuộc. Chỉ có những bước chân di chuyển rất chậm, để ngắm nghía, để sờ nắm và để ngã giá với giọng vừa đủ nghe. Nếu muốn, khách phương xa cũng có thể ướm thử chuỗi hạt làm từ vỏ sò, thử hơi với chiếc tù và vỏ ốc hoặc giải nhiệt miễn phí với một cốc nước lá lao thơm lừng, ngọt lịm…
Có lẽ vì vậy mà, thay vì bỏ đi sau khi đã chọn mua được món quà ưng ý, nhiều người đã nán lại thêm chút nữa để dạo chơi. Tìm được một cái chợ “không có tạp âm” như thế giữa thời buổi bán mua nhộn nhạo này quả không dễ. Vậy thì tại sao lại phí hoài, tại sao không chầm chậm để bàn chân nhẹ trôi?… Khi chân mỏi, đã có sẵn một dãy quán cà phê bình dân. Hầu hết các quán cà phê ở đây không mở nhạc, không hẳn vì thiếu điện mà vì ở ngay trước mặt đã có dàn đồng ca sóng biển. Trong khi chờ cà phê nhỏ giọt, lại có được một trải nghiệm thú vị khác khi nhìn hai bên là thấy chợ “không có tạp âm”, ngoảnh phía sau là bắt gặp xanh ngát rừng, còn phía trước là mênh mang biển trời…
Ở Cù Lao Chàm, dường như những câu chuyện về quá khứ, hiện tại, tương lai đều được “trình chiếu” và được kể rất chậm. Đơn giản vì không một du khách nào có thể ngay lập tức ghi nhận hết danh mục dài về hệ sinh thái phong phú của đảo, gồm 499 loài thực vật và gần 160 loài động vật, hơn 200 loài cá, gần 100 loài nhuyễn thể…, trong đó có nhiều loài đặc hữu, Du khách nước ngoài thong thả dạo “chợ không có tạp âm” trên đảo Cù Lao Chàm.
Cũng vậy, rất khó để thẩm thấu hết những giá trị văn hóa, từ Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt đến những dấu tích về quan hệ giao lưu giữa Cù Lao Chàm với thế giới bên ngoài. Ghé thăm chùa Hải Tạng, nếu chỉ bái Phật cầu may không thôi thì chưa đủ mà còn phải nghe cho trọn bốn cung bậc âm thanh khác nhau của chiếc chuông cổ nơi đây. Hay khi tạt qua giếng cổ Chămpa, hình như ai cũng tự hiểu rằng sẽ vô nghĩa nếu vội vàng đến mức quên vục gàu vào lòng giếng, lấy lên và thưởng thức một ngụm nước mát lành chảy ra từ nghìn xưa…
Sau những cuộc dạo chơi thong dong đây đó với đảo, càng không thể không tắm và lặn biển để cảm nhận những nét riêng của biển nơi đây. Không chỉ siêu sạch, đáy bình, cát mịn, biển Cù Lao Chàm còn hấp dẫn bởi sự nguyên sơ. Ở Bãi Hương, Bãi Chồng, thi thoảng từng đàn cá kéo vào tận bãi tắm, quẩn quanh chân người.
Ra khỏi bờ chừng vài chục mét, úp mặt xuống làn nước trong xanh là đã có thể nhìn thấy “thủy cung” với những rạn san hô rực rỡ cùng nhiều loài thủy sinh khác. Trong khu vực mặt nước rộng 6.719 ha của Khu bảo tồn biển du lịch Cù Lao Chàm hiện có tới 165 ha san hô, khoảng 500ha thảm là có biển. Với sự mênh mông và phong phú này, chẳng cần phải xếp hàng hay chen lấn. Chỉ cần bước ra chân sóng, hòa mình vào làn nước trong xanh là đã có thể tìm thấy một thế giới thủy cung cho riêng mình.
Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét