Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

BIDV tại đàn nghĩa trũng



Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển 
Việt Nam
Tổ chức Lễ Tri ân tại Đàn Nghĩa Trũng
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tổ chức Chương trình Tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị.
Chương trình diễn ra từ ngày 17 đến ngày 18/8/2013. Nội dung chủ yếu là hành Lễ Dâng hương, Dâng hoa, Thả đèn hoa đăng, Cầu siêu, Cầu an các Anh hùng Liệt sĩ tại các Nghĩa trang lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có Di tích Đàn Nghĩa Trũng.
Theo lịch trình, đúng vào lúc 08 giờ 00’ sáng ngày 18/7/2013, Lễ Tri ân Dâng hương, Dâng hoa đã được tổ chức trang nghiêm, chu đáo tại Di tích Đàn Nghĩa Trũng - khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị.
Đến dự Lễ gồm có:
* Đoàn đại biểu từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
- Ông Trần Bắc Hà, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Namlàm Trưởng đoàn.
- Ông Phan Đức Tú - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
- Các Ủy viên HĐQT, các Phó tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban, Văn phòng, Trung tâm thuộc Hội sở chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng đại diện BIDV ở nước ngoài; Giám đốc các Chi nhánh BIDV và các đồng chí nguyên là Ủy viên HĐQT, nguyên Phó tổng giám đốc, nguyên lãnh đạo các Ban, các Chi nhánh BIDV qua các thời kỳ.
* Cùng về dự Lễ còn có:
- Trung tướng Võ Tiến Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng;
- Giáo sư, Tiến sỹ  Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
- Ông Nguyễn Hữu Đường (1954)  - Tổng giám đốc Công ty Thương Binh Nặng Hòa Bình;
- Ông Phạm Công Danh (1963) Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh;
* Về phía lãnh đạo địa phương có:
- Ông Nguyễn Hữu Dũng: Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị;
- Ông Nguyễn Đức Hoa: Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Quảng Trị;
- Ông Văn Ngọc Lãm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cùng các trưởng ban, ngành, đoàn thể trực thuộc UBND thị xã.
- Ông Lê Hàn Vũ, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy phường 3 thị xã Quảng Trị; các trưởng các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc UBND phường.
* Về phía Ngân Hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị có:
- Ông Hồ Sỹ Trọng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân Hàng Nhà nước tỉnh Quảng Trị;
Cùng toàn thể cán bộ và nhân dân khối phố 8, phường 3; đại diện con cháu trong Hoàng tộc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong và cư dân làng Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị đã long trọng tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm hương hồn các đồng bào tử nạn và nghĩa binh Tây sơn trận vong ở Nghĩa Trũng Đàn.
Sau khi mọi người tuần tự dâng hương ở Bàn thờ Điện chính, Lễ Tri ân chính thức được cử hành. Ông Nguyễn Duy Hùng - Cán bộ Phòng TTVH thị xã, Trưởng ban Tổ chức Lễ đọc diễn văn khai mạc:
Kính thưa hương hồn các chiến sỹ trận vong và đồng bào tử nạn! Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, thưa toàn thể bà con trong Hoàng tộc Bích khê, Triệu Long và hương dân làng Thạch Hãn. Hôm nay, ngày 18 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày 12 tháng 07 năm Quý Tỵ, tại Di tích Lịch sử Văn hóa Nghĩa Trũng Đàn, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những nghĩa binh Tây Sơn và những người dân vô tội đã vì nước vong thân trong đại chiến Kỷ Dậu với quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789.
Kính thưa toàn thể quý vị! Vào những năm cuối thế kỷ 19, ông Hoàng Hữu Lợi và bà Lê Thị Hơn, người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị - từ suy nghĩ hết sức giản đơn là trồng"Cây nhân đức" cho con cháu đời sau hái quả ngọt. Ông bà đã bàn bạc và sử dụng số tiền tích góp được để mua 7 sào vườn, trong đó dành riêng 3 sào đất lập nghĩa trang để chôn cất những nắm xương lạc loài, là di chỉ từ những biến cố thiên nhiên, lịch sử và những thảm cảnh số phận con người. Việc làm này của Ông bà đã làm ảnh hưởng rất sâu sắc đến cách sống và suy nghĩ của con cháu về sau trong Hoàng tộc Bích Khê, đặc biệt là người con trai trưởng của ông bà là Hoàng Hữu Xứng.
Năm Nhâm Tý 1852, Hoàng Hữu Xứng thi đỗ Cử nhân, làm quan cho triều  Nguyễn. Ông đã trãi qua 5 đời vua khác nhau, gi nhiều chức quan lớn trong triều đình như: Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa, Hàn Lâm Viện, Tham Tri Bộ Lại; là Chánh chủ khảo trường thi Hương, ông còn là thầy dạy chữ cho Vua và các Hoàng tử trong triều. Năm 1897, ông được phong là Phó Tổng Tài Sử Quán - Hiệp Biện Đại Học Sỹ. Trong suốt thời kỳ làm quan cho Triều Nguyễn, ông đã kinh qua nhiều vùng, miền, chứng kiến những bước thăng trầm của đất nước.  
Thời làm Tuần Vũ Hà nội, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh thương tâm khi thấy những phần mộ vô chủ, lâu ngày không được chăm sóc, hương khói, hỏi những người dân trong vùng mới biết đó là những mộ phần của nghĩa binh Tây Sơn theo vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Mãn Thanh. Ông đã cho người cất bốc, thu nhặt khoảng 600 bộ hài cốt rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng.  
Trong khoảng thời gian 10 năm, ông làm quan hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội, ông đã thực hiện việc tìm kiếm và cất bóc chừng 1000 hài cốt mà phần lớn là những mộ phần của những anh hùng áo vi cờ đào về quy táng tại Nghĩa Trũng này. Tính từ khi Đàn Nghĩa Trũng được hình thành cho đến nay, con cháu trong Hoàng tộc Bích Khê từ đời này sang đời khác đã tìm kiếm, chôn cất khoảng gần 1.500 ngôi mộ và chọn ngày 25 tháng Chạp m lịch) hàng năm là ngày Kỵ chung cho những vong hồn vô chủ.
Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, những người con trong Hoàng tộc Bích Khê phải tha hương, lánh nạn mưu sinh, nên không mấy ai nhớ đến nghĩa trang này. Cùng với thời gian, sự phong hoá của thiên nhiên và đặc biệt là sự huỷ diệt trong 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị của bom đạn Mỹ, nguỵ, các hạng mục công trình nơi đây gần như bị sụp đỗ hoàn toàn. Trong đống đổ nát hoang tàn đó, những bậc hiền nhân của làng Thạch Hãn và con cháu trong Hoàng tộc Bích Khê đã tiến hành công tác tái thiết, trùng tu, tôn tạo. Đến nay, Đàn Nghĩa Trũng tương đối khang tranghơn, ấm cúng hơn, đáp ứng được phần nào nguyện vọng về mặt tâm linh của con cháu trong Hoàng tộc cũng như hương dân làng Thạch Hãn.
Kính thưa quý vị và bà con! Việc xây dựng một nghĩa trang để chôn cất những nắm xương lạc loài mang ý nghĩa nhân văn thật cao cả và sâu sắc của con cháu Hoàng tộc Bích Khê đã thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa đó, trong giờ phút trang nghiêm này, xin đề nghị toàn thể quý vị hãy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những đồng bào tử nạn và nghĩa binh Tây Sơn trận vong trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.
Phút mặc niệm bắt đầu!...
Sau giây phút nghiêm trang mặc niệm, mọi người lần lượt kính cẩn dâng hương, dâng hoa lên bàn thờ Nghĩa Trũng.
Sau buổi Lễ, ông Trần Bắc Hà - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam không giấu được niềm cảm xúc, ông tâm sự: “Tôi cũng là một người con dân Bình Định - quê hương của vua Quang Trung Nguyễn Huệ một thời khí phách. Sau khi tôi tìm hiểu và biết rằng, ngay ở nơi đây đã có rất nhiều người quê hương tôi đã một thời nằm xuống và có được một nơi ấm cúng như thế này. Tôi thật sự cảm động và ấn tượng sâu sắc về ông Hoàng Hữu Lợi cùng hậu duệ của ông trong Hoàng tộc Bích Khê cũng như hương dân làng Thạch Hãn... Họ là những người có tấm lòng nhân hậu, bác ái, một nghĩa cử thật nhân văn, cao đẹp!...”.
Để thể hiện tấm lòng tri ân nghĩa cử đó, ông Hà đã thay mặt cơ quan nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người đã sáng lập, tôn tạo và duy tu chăm sóc Đàn Nghĩa Trũng qua các thời kỳ; đồng thời, ông trao Ban đại diện Hoàng tộc Bích Khê món quà 30 triệu đồng với thiện ý được góp phần quà làm quỹ hương khói hàng năm ở Hoàng tộc Bích Khê cũng như ở Đàn Nghĩa Trũng.
Bàn về việc tiếp tục duy tu, tôn tạo Đàn Nghĩa Trũng, sau một hồi quan sát, ông Trần Bắc Hà nêu quan điểm của ông là: “trước hết cần xây dựng lại Nhà Bia Đàn Nghĩa Trũng được, bền, đẹp và khang trang hơn; còn một số hạng mục khác sau này sẽ tính tiếp...”. Theo quan điểm ông Hà là nên làm Nhà Bia Nghĩa Trũng hình bát giác, bia đá Cẩm thạch; nội dung ghi trên bia vẫn giữ lại nguyên văn, nhưng chữ khắc và màu sắc phải bảo đảm về mặt kỹ thuật và mỹ thuật (to, rõ ràng, dễ đọc, bền lâu).
Sau khi tham khảo và thống nhất ý kiến của lãnh đạo địa phương, Ban đại diện Hoàng tộc Bích Khê và bà con làng Thạch Hãn, ông Hà hứa: “sẽ tài trợ nguồn kinh phí và cố gắng xúc tiến công trình Nhà Bia càng sớm càng tốt nhằm kịp khánh thành nhân ngày Kỵ chung ở Đàn Nghĩa Trũng (25 tháng Chạp năm Quý Tỵ). Sau đó, ông Hà cũng đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho một số bộ phận trực thuộc cơ quan chuẩn bị tiến hành.
Phải nói rằng, từ khi Đàn Nghĩa Trũng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh đến nay, đây là lần tổ chức Lễ Tri ân trang trọng nhất. Thông qua buổi Lễ, mọi người đã thấy được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp; đặc biệt là lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Sự chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm và tinh thần thiện nguyện của họ đã để lại trong lòng mọi người một ấn tượng đẹp đẽ, niềm phấn khích lớn. Như vậy, hình ảnh và tầm vóc Đàn Nghĩa Trũng hôm nay đã dần sáng tỏ hơn hôm qua và sẽ còn cương tỏa hơn nữa trong mai sau, thể hiện đúng ý nghĩa văn hóa của chính mình.
Hoàng Hữu Hóa(Trong bài có sử dụng tài liệu của ông Nguyễn Duy Hùng - Cán bộ Phòng TTVH thị xã Quảng Trị - người rất có tâm huyết với Hoàng tộc Bích Khê cũng như Đàn Nghĩa Trũng)
---------------------
Sau đây là một số hình ảnh Lễ Tri ân Đàn Nghĩa Trũng 
sáng 18/8/2013

Ông Trần Bắc Hà (thứ 2 từ trái sang), Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP ĐT và PT VN cùng mọi người viếng hương trước bàn thờ điện chính.
 Ông Nguyễn Duy Hùng - Cán bộ Phòng TTVH thị xã, Trưởng ban Tổ chức Lễ đọc diễn văn khai mạc.
 
Lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể cùng đông đảo bà con đến dự Lễ
 Ông Trần Bắc Hà dâng hương và dâng hoa trước Đàn Nghĩa Trũng
 Ông Lê Hàn Vũ, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy phường 3 TXQT dâng hương
 Ban đại diện Hoàng tộc Bích Khê dâng hương
 Mọi người lần lượt dâng hương trước Đàn và Nghĩa Trũng

Ông Trần Bắc Hà trao quà 30 triệu đồng cho Ban đại diện Hoàng tộc Bích Khê

Lễ vật đã được chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo trước Đàn Nghĩa Trũng. 
Đây cũng là nơi sẽ được xây dựng lại Nhà Bia theo dự kiến của ông Trần Bắc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét