Lần đầu tiên sau 17 năm, chính phủ Mỹ ngưng hoạt động sau khi quốc hội không thông qua được chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2013 - 2014.
Nhà Trắng bị “cầm tù” trong cuộc đấu đá chính trị Dân chủ - Cộng hòa / Ảnh: AFP |
Theo Đài CBS, chính phủ liên bang đã chính thức ngừng làm việc vào 0 giờ 1 phút ngày 1.10 (giờ Mỹ), sau khi lưỡng viện lập pháp thất bại trong việc đạt thỏa thuận chi tiêu cho phép duy trì hoạt động bình thường. Lần gần đây nhất Mỹ lâm vào tình trạng tương tự là vào giai đoạn 1995 - 1996 dưới thời Tổng thống Bill Clinton.
1 triệu người không lương
Vào 23 giờ 46 đêm 30.9, Nhà Trắng chỉ đạo các cơ quan liên bang triển khai kế hoạch tạm đóng cửa trong bối cảnh chính phủ chỉ duy trì hoạt động tối thiểu. “Không may là chẳng có dấu hiệu nào cho thấy quốc hội phản ứng kịp thời. Các cơ quan bộ ngành hãy áp dụng kế hoạch như dự kiến để quá trình ngưng hoạt động diễn ra trật tự”, website Nhà Trắng dẫn thông báo của Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Sylvia M.Burwell viết.
Như vậy, nước Mỹ đã phải trả giá vì cuộc chiến không khoan nhượng giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa. Cụ thể, ngoại trừ những bộ phận thiết yếu nhất, hầu hết công sở trong mọi bộ ngành đều phải đóng cửa, theo NBC News. Ước tính, từ 800.000 - 1 triệu viên chức buộc phải nghỉ không lương, chưa kể nhân viên hợp đồng và các nhà thầu. Hàng trăm ngàn người khác sẽ bị chậm lương. “Mọi người sẽ buộc phải dùng tiền tiết kiệm để trả hóa đơn, tiền nhà, tiền xe, tiền học hoặc trì hoãn không biết đến khi nào. Họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề”, Tổng thống Barack Obama ngậm ngùi tuyên bố.
Theo NBC News, tất cả công viên quốc gia và nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác như tượng Nữ thần Tự do, Viện Smithsonian hay các đài tưởng niệm đều sẽ đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên trong khi các chương trình nghiên cứu khoa học và y tế sẽ bị trì hoãn. Bộ Tư pháp thông báo đình chỉ hầu hết các vụ án dân sự nhưng vẫn thụ lý các vụ hình sự. Các hoạt động cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp hay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đều đình trệ. Các chuyến công du quốc tế sẽ bị hạn chế tối thiểu nhưng chưa rõ có ảnh hưởng đến kế hoạch thăm 4 nước Đông Nam Á sắp tới của Tổng thống Obama hay không.
Bên cạnh đó, luật quy định các ngành thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh, quân đội, bưu chính, an toàn thực phẩm, cấp cứu và chữa bệnh vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng các nhân viên có nguy cơ bị chậm lương.
Thiệt hại 1 tỉ USD/tuần
Theo Bloomberg, từ năm 1977 đến nay đã có 17 lần chính phủ liên bang ngưng hoạt động. Trong đó, thời gian ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 21 ngày (giai đoạn 1995 - 1996). Tuy nhiên, ảnh hưởng của lần này sẽ rất nghiêm trọng do nền kinh tế Mỹ đang chật vật hơn nhiều so với giữa thập niên 1990. Theo CNN, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 1 tỉ USD mỗi tuần trong thời gian đầu chính phủ ngừng hoạt động và càng kéo dài thì thiệt hại càng lũy tiến. Hãng nghiên cứu tài chính Moody's Analytics cảnh báo nền kinh tế sẽ mất khoảng 55 tỉ USD nếu chính phủ tê liệt từ 3 đến 4 tuần và tăng trưởng sẽ giảm khoảng 0,9 - 1,4%. Nếu tình trạng kéo dài đến 2 tháng thì Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Đó là chưa kể ảnh hưởng tiêu cực đối với lòng tin của giới đầu tư nước ngoài. Chưa hết, nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới “chết máy” quá lâu thì sẽ gây tác động xấu cho toàn cầu như cảnh báo ngày 1.10 của Thủ tướng Anh David Cameron.
Chưa hết, tuy ông Obama và Lầu Năm Góc khẳng định các hoạt động quân sự của Mỹ tại các khu vực xung yếu sẽ duy trì bình thường nhưng AFP dẫn lời chính Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thừa nhận “tình trạng hoang mang trong nước sẽ khiến Mỹ mất thể diện và uy danh trong mắt các đồng minh và trên toàn thế giới”.
Nguy cơ vỡ nợ
Lý do khiến chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng trên là cuộc đấu tại quốc hội Mỹ mà như giới truyền thông mô tả là “hai người trừng mắt nhìn nhau xem ai chớp mắt trước”. Trong suốt nhiều tuần, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện (nằm trong tay đảng Dân chủ) liên tục bác bỏ dự luật ngân sách của nhau. Mấu chốt của mọi bất đồng là luật cải cách y tế do Tổng thống Obama đề xuất (luật Obamacare). Tuy quốc hội đã thông qua từ lâu nhưng đảng Cộng hòa liên tục tìm cách trì hoãn áp dụng, hạn chế quy mô hoặc giảm ngân sách chi cho đạo luật.
Đến hôm qua, hai bên vẫn tiếp tục chỉ trích và đổ lỗi cho nhau. AFP dẫn lời lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Harry Reid cáo buộc phe Cộng hòa “thiếu cân nhắc” và “khiến cả nước nhận một cú đòn không cần thiết”. Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố Thượng viện “quá cao ngạo” và Tổng thống Obama “không chịu đàm phán chân thành”. Bất chấp những lời kêu gọi mau chóng giải tỏa bế tắc từ giới lãnh đạo doanh nghiệp, AFP dẫn lời một trợ lý của thượng nghị sĩ Reid khẳng định nếu Hạ viện vẫn muốn “phá rối” Obamacare thì sẽ không có đàm phán nào cả.
Theo giới quan sát, đây chỉ là giọt nước tràn ly trong cuộc giằng co giữa 2 đảng trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua của ông Obama. Nhưng mọi bộ luật đều phải được thông qua ở cả hai viện nên phe Cộng hòa luôn có công cụ để gây khó khăn cho tổng thống và đảng Dân chủ. Ngoài những khác biệt về tư tưởng, phe Cộng hòa quyết tâm chống Obamacare còn vì đây được coi là một trong những thành tựu cầm quyền có ý nghĩa lịch sử của ông Obama.
Dư luận Mỹ đang rất tức giận với các chính trị gia. Những câu như “Tôi rất xấu hổ với nhà nước này và đã chán nghe các ông đổ lỗi cho nhau lắm rồi” xuất hiện dày đặc trên internet trong ngày 1.10. CNN công bố kết quả khảo sát cho thấy 69% số người được hỏi cho rằng các nghị sĩ quốc hội hành xử như “bọn trẻ được nuông chiều quá mức” trong khi 58% nói phe Dân chủ cũng cùng một giuộc.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia còn cảnh báo rằng nếu hai bên tiếp tục không ai nhường ai thì Mỹ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn việc đóng cửa chính phủ. Đó là thời hạn nợ công chạm trần đã đến gần nhưng các nỗ lực thương thuyết để nâng mức trần 16.700 tỉ USD vẫn chưa đi đến đâu. Theo AFP, nếu không sớm đạt thỏa thuận trước giữa tháng 10 thì nước Mỹ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Ngoại giao đoàn Mỹ ở Việt Nam vẫn hoạt động
Theo thông báo trên website Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cơ quan này và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi có chỉ thị khác. Các dịch vụ cấp thị thực vẫn tiếp tục cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, Bộ Ngoại giao cảnh báo hoạt động lãnh sự tại nước ngoài chỉ được duy trì chừng nào nguồn ngân sách dự phòng còn đủ hỗ trợ.
|
Hậu quả khó ngờ
Theo trang tin Business Insider, lần ngưng hoạt động 1995 - 1996 là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ bê bối tình dục chấn động của Tổng thống Bill Clinton với thực tập sinh Monica Lewinsky. Khi đó, vì Nhà Trắng phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc và dùng thực tập sinh lấp chỗ trống nên cô Lewinsky mới có cơ hội tiếp xúc với ông Clinton nhiều hơn, dẫn đến “mỡ treo miệng mèo”. Tuy nhiên, điều này sẽ không lặp lại lần thứ hai, không chỉ nhờ định lực của ông Obama tốt hơn mà còn do Nhà Trắng đã quyết định không cho phép thực tập sinh làm việc trong khi chính phủ ngừng hoạt động, theo tờ The Hill.
|
Chính phủ Mỹ đóng cửa làm đóng băng các số liệu thống kê kinh tế
(TNO) Dòng chảy thông tin về các số liệu thống kê kinh tế của Mỹ đã bị đóng băng vào ngày 1.10, sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa, ngừng hoạt động.
Một người biểu tình Mỹ đặt đồng USD lên miệng, kêu gọi chính phủ Mỹ hoạt động trở lại - Ảnh: AFP |
Số liệu về nền kinh tế lớn nhất thế giới, điểm tựa của các nhà kinh tế, nhà phân tích thị trường tài chính, đã bị đóng băng do Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự thảo luật ngân sách trong năm tài khóa 2014 (bắt đầu vào ngày 1.10) dẫn đến tình trạng chính phủ ngừng hoạt động, theo AFP.
Vào sáng 1.10 (giờ địa phương), "nạn nhân" đầu tiên là Bộ Thương mại đã không công bố số liệu báo cáo của cơ quan này.
Khi gọi đến Bộ Thương mại Mỹ, hộp thư thoại trả lời: “Nếu bạn để lại tin nhắn, chúng tôi sẽ không thể trả lời cho đến khi tình trạng chính phủ đóng cửa chấm dứt”.
Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Lao động Mỹ, chuyên cung cấp số liệu về tổng sản phẩm nội địa GDP, số liệu tổng hợp thương mại hằng tháng, đã đóng cửa website www.bea.gov của cơ quan này.
“Do không có ngân sách hoạt động, website www.bea.gov sẽ không tồn tại và các bạn sẽ không thể truy cập vào các dữ liệu trên website”, theo thông cáo của Cục Phân tích Kinh tế.
Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chịu trách nhiệm công bố số liệu về lao động, việc làm vào ngày thứ sáu đầu tiên mỗi tháng, cho biết website cơ quan này không cập nhật bất kỳ thông tin gì mới do chính phủ Mỹ đóng cửa.
“Trong thời gian chính phủ đóng cửa, BLS sẽ không thu thập số liệu, công bố báo cáo thống kê và cũng không giải đáp thắc mắc. Các số liệu thống kê sẽ được cập nhật trên website của chúng tôi khi chính phủ hoạt động trở lại”, theo thông cáo của BLS.
Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Deutsche (Đức) cho AFP biết chính phủ Mỹ có khả năng hoạt động trở lại trước ngày 4.10.
Nhưng nếu chính phủ Mỹ không hoạt động trở lại, đồng nghĩa BLS không hoạt động và các số liệu về thu nhập của người lao động Mỹ (số sản phẩm công nhân làm ra, giờ và tiền lương) sẽ trở thành một “ẩn số”.
Bộ Lao động Mỹ cũng không công bố báo cáo hằng tuần (định kỳ mỗi thứ năm) về tỷ lệ thất nghiệp ở nước này.
Chính phủ Mỹ đang đối mặt với nguy cơ phải ngưng hoạt động - Ảnh: Reuters |
Vào hôm 29.9, Hạ viện Mỹ, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thêm vào dự thảo luật ngân sách hai bổ sung sửa đổi, bao gồm trì hoãn một năm việc thực thi luật y tế Obamacare và bãi bỏ thuế đánh lên thiết bị y tế.
Thượng viện Mỹ, với đại đa số ghế do nghị sĩ đảng Dân chủ nắm giữ, tuyên bố sẽ bác bỏ bổ sung này của Hạ viện.
Được biết, chính phủ Mỹ từng hai lần lâm vào tình trạng đóng cửa, gồm sáu ngày trong tháng 11.1995 và 21 ngày từ tháng 12.1995 đến đầu năm 1996.
Đã có khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc trong hai khoảng thời gian nói trên, AFP cho hay.
Sau đây là hậu quả nước Mỹ có thể phải hứng chịu trong trường hợp Quốc hội không thông qua được dự thảo luật ngân sách năm tài khóa 2014 trước khi năm tài khóa 2013 kết thúc vào cuối ngày 30.9.
Nhà Trắng và Quốc hội: Trụ sở và các văn phòng trực thuộc vẫn mở cửa hoạt động, nhưng một số nhân viên thuộc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ bị buộc phải nghỉ việc.
Bộ Ngoại giao cũng sẽ phải cho nghỉ việc tạm thời những nhân sự không quan trọng. Một số nhà làm luật Mỹ, chẳng hạn như nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard của bang Hawaii, đã cam kết hoàn lại tiền lương cho kho bạc hoặc đem làm từ thiện nếu chính phủ đóng cửa.
Lầu Năm Góc: Binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục tại ngũ, nhưng sẽ có khả năng bị trễ lương.
Hơn phân nửa trong tổng số 800.000 nhân viên của Bộ quốc phòng Mỹ sẽ bị cho thôi việc và Lầu Năm Góc cảnh báo rằng những nhân viên ở lại sẽ phải làm việc “gian khổ”.
An ninh quốc gia: Những dịch vụ công liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm cả tuần tra biên giới và hải quan cảng hàng không, vẫn sẽ được duy trì.
Những người làm trong các ngành “bảo vệ mạng sống và tài sản người dân”, chẳng hạn như nhân viên trực tổng đài báo các trường hợp khẩn cấp vẫn được duy trì.
Nghiên cứu y khoa: Viện Y tế Quốc gia Mỹ sẽ không cấp phép cho các đợt thử nghiệm lâm sàng.
Bảo tàng và công viên: Các viện bảo tàng trực thuộc Smithsonian, một học viện nghiên cứu và bảo tàng viện nổi tiếng của chính phủ Mỹ, và toàn bộ 368 địa điểm trực thuộc hệ thống dịch vụ công viên quốc gia sẽ bị đóng cửa.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA): Hoạt động của Trạm không gian Quốc tế (ISS), hiện đang là nơi cư ngụ của sáu phi hành gia, gồm hai người Mỹ, vẫn sẽ được duy trì.
Tuy nhiên, hầu hết nhân viên của NASA, tổng số 18.000 người, sẽ phải nghỉ ở nhà không lương.
Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA): Gần như sẽ không có ai kiểm soát chất lượng không khí và nước hoặc đảm bảo việc tuân thủ các quy định về ô nhiễm dầu.
Dịch vụ bưu chính: Dịch vụ bưu chính Mỹ vẫn sẽ hoạt động bình thường vì cơ quan này đã độc lập về tài chính.
Thủ đô Washington: Quốc hội Mỹ giữ quyền hành pháp tối cao tại thủ đô Washington. Trong thời gian hoạt động của chính phủ bị gián đoạn lần cuối cùng vào năm 1996, thành phố này gặp phải một vấn đề đáng xấu hổ, đó là dịch vụ thu gom rác bị ngưng trệ, theo AFP.
Thị trưởng Washington Vincent Gray mới đây cho biết sẽ công nhận tất cả nhân viên của thành phố là “nhân sự quan trọng” trong trường hợp chính phủ ngưng hoạt động và hứa sẽ dùng quỹ dự trữ tiền mặt dự phòng để trả lương.
Nền kinh tế: Ông Harry Reid, lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện Mỹ, từng cảnh báo rằng việc chính phủ tạm ngưng hoạt động sẽ “làm tan nát nền kinh tế”.
Giới phân tích cho rằng tuyên bố này có thể hơi cường điệu, nhưng tác động của tình huống nói trên là rất đáng kể.
Theo báo cáo của Macroeconomic Advisers (Mỹ), hãng tư vấn chuyên nghiên cứu kinh tế Mỹ, việc chính phủ đóng cửa hai tuần lễ sẽ làm tốc độ tăng trưởng GDP trong ba tháng cuối năm 2013 giảm 0,3 điểm phần trăm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét